Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Biến mất như chưa từng tồn tại

"ĐỪNG BIẾN MẤT NHƯ THẾ CHƯA BAO GIỜ TỒN TẠI"
Nếu ngày mai chẳng may bạn mất đi, bạn có nuối tiếc không?
Tuổi Trẻ, ngoài khỏe có làm được gì? Thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm, thiếu va vấp, thiếu các mối quan hệ, an phận thì tốt hơn, chết lúc nào không hay.
Tuổi Trẻ,... thiếu nền tảng, mới chớm vụt khỏi vòng tay ôm ấp của cha mẹ, thất bại thì ra đê à? Cái gì cũng vậy, phải từ tốn, chầm chậm mới chắc ăn. Kiểu như vầy: Nhỏ thì đi nhà trẻ ăn học cho khỏe, lớn lên xíu thì học 12 năm phổ thông, sau đó học đại học kiếm cái bằng, đang tuổi ăn tuổi học mà, mần chi? Biết chi mà mần? Sau đó ra trường đi làm, kiếm công việc ổn định, tốt nhất là “nhàn hạ mà lương cao”, sau đó lấy vợ lấy chồng, rồi chăm con, rồi con nó đi học, đi làm, lấy vợ lấy chồng…



Thật ra đó là chuyện của xa xưa rồi, và đừng vịn cớ vào những điều trên, để tôi nói sự thật nhé:
1. SỢ:
Sợ giao tiếp:
Con người vốn là động vật của cảm xúc, họ vui thì họ làm tốt, cười và mang niềm vui đến mọi người, họ buồn thì cả ngày ủ rũ, chẳng làm gì ra trò trống. Mà cách hay nhất để tạo được cảm xúc là giao tiếp, tạo niềm vui, sự thú vị cho người khác và nhận những điều thú vị, cảm xúc vui vẻ, thăng hoa về phía mình. Vốn việc giao tiếp ngày càng dễ dàng, có các công cụ tiên tiến hỗ trợ để thế giới ngày càng phẳng hơn, khoảng cách địa lý ngày càng rút ngắn hơn nhưng người ta lại ngại giao tiếp hơn, thật lạ!
Sợ thất bại:
Sợ thuyết trình, sợ bán hàng, sợ giao tiếp, sợ các cuộc thi, sợ nộp CV, sợ phỏng vấn, v…v… Đơn giản là sợ thất bại! Sợ mất mặt với bạn bè, với những người chung quanh, sợ tiếng chê cười của người đời.
Nhưng mà nói không phải chửi, đang là sinh viên, đang còn trẻ “trâu”, có danh có tiếng có miếng cơm manh áo nào đâu mà sợ mất? Càng sợ mất càng đánh tuột mất một đống cơ hội, thế là đã sợ ngày càng sợ hơn!
2. LƯỜI:
Lười suy nghĩ:
Đầu tiên là lười đọc, đọc sách, đọc báo chí (kiểu như Forbes), đọc những bài phân tích sâu, hơi dài xíu là lướt qua ngay. Tôi gặp rất nhiều người comment kiểu: “Dài quá lười đọc.” Ngay cả kiên nhẫn dăm ba phút còn chẳng làm được, sao họ nghĩ mình đi làm công ăn lương, ngày 8 tiếng, năm 350 ngày họ sẽ làm được?
Thứ hai là lười trao đổi những thứ thực sự hay ho, chỉ ngồi gặm nhấm chuyện ngày xưa, chuyện tào lao, chuyện scandal, chuyện thế giới rồi đi về với cái đầu rỗng tuếch!
Lười hoạt động:
Cứ nhắc đến các buổi hội thảo, các khóa học về kỹ năng, các buổi sinh hoạt của CLB là lại lười, cứ vịn cái cớ có cái gì hay đâu, đi chỉ tổ tốn thời gian. Các diễn giả bỏ ra cả gần chục năm, vừa đúc kết cái của thầy họ dạy, sách dạy, cái chính cuộc sống dạy họ ra chia sẻ mà bảo tốn thời gian, vớ vẩn. Cũng vì vậy mà cả 1 lớp mấy chục đứa, kể các những trường năng động nhất như Ngoại Thương, Kinh Tế, IU cũng chỉ vài ba đứa thuyết trình tốt, dõng dạc, biết cách nói chuyện, lên kế hoạch, teamwork, còn lại cứ như nông dân xài điện thoại, loay hoay chả biết làm sao.
Cứ nhắc đến các hoạt động bên ngoài, đi làm thêm, tham gia tình nguyện, đi phượt, du lịch là lại lười, bảo thôi tốn tiền ba mẹ, đi cũng chỉ ngửi bụi chứ làm được gì, cũng vì vậy mà cả thành phố bự chỉ biết được vài ba đường cỏn con quanh khu mình ở, vốn sống cụt lủn mà đòi làm cao, chán nốt!
Trước ngày sinh nhật của mình, nhận được tin Toàn Shinoda mất đi, tôi chột dạ và nhớ đến bài dạy của thầy tôi, ảnh nói cuộc sống có 2 bài học kỳ diệu lắm:
* Bạn chắc chắn sẽ chết
* Bạn không biết lúc nào cái chết sẽ đến với mình
Thấy anh Toàn mất đi mà tôi chợt nghĩ, liệu mình còn mấy ngày nữa? Bao nhiêu người trong các bạn đã từng trải qua cảm giác người bạn đồng trang lứa của mình bỏ mình đi rồi? Nếu bạn là nó, bạn có hối tiếc không? Nếu ngày mai chẳng may bạn mất đi, bạn có nuối tiếc không? Tiếc những ngày lười biếng, tiếc chưa nhận ra được những điều thú vị trong cuộc sống này? Tiếc chưa từng biết yêu thương? Tiếc chưa từng làm điều gì để ba mẹ mình tự hào?
Nếu thấy tiếc thì đọc tiếp, còn tiếc thời gian đọc bài của tôi thì nghỉ. Bản thân tôi cũng có nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều lúc lơi lỏng, lười biếng lắm, nhưng nhìn tin anh Toàn ra đi thì tôi chả dám tiếc nữa. Phục các bạn thật đấy nếu sau khi đọc bài viết này các bạn vẫn chây lười được.
Vậy tuổi trẻ thì có điều gì?
1. Chẳng có cái quái gì cả!
Kỳ vậy, nhưng thật đấy, vì chẳng có cái quái gì nên cũng chẳng có gì để mất, không tiền bạc, không danh tiếng, không sự nghiệp, thua thì làm lại, có mất mát gì đâu? Tại sao không làm một cái gì đó thú vị xem? Lỡ thành công thì sao? Bao nhiêu gương thành công tuổi 8x, 9x đấy còn chưa là cảm hứng à? Hoặc ít ra tránh được cái lý do LƯỜI ở phía trên!
2. Có một đống thứ!
Thời gian, đừng bảo các bạn bận, nhìn ba mẹ các bạn đi làm rồi trông con đi, các bạn sẽ biết thế nào gọi là bận! Sức khỏe, sự tò mò, tinh thần mạo hiểm. Đây đều là độc quyền của tuổi trẻ, lớn lên rồi chúng ta có lắm thứ phải gánh gồng lắm, thời gian đâu mà trải nghiệm cái mới, có dám mạo hiểm hay không?
3. Có những người đồng đội tuyệt vời nhất!
Giai đoạn tuổi trẻ là lúc bạn chẳng có cái quái gì cả, cũng vì vậy nếu ta chơi thân được với nhau là vì hợp tính, vì chân thành, vì tình bạn chứ chưa bị nhuốm bẩn bởi cơm áo gạo tiền, đây là lúc tốt nhất để thành lập các đội nhóm. Bạn chơi khác, bạn làm ăn khác à nha, 100 người chơi cùng thì may ra có được vài người vừa hợp tính, vừa hợp chí hướng, bởi vậy chơi đâu với chục đứa bạn, chưa bao giờ làm chung một cái gì đó thú vị rồi lại bảo chẳng có ai làm cùng, buồn cười!
Tuổi trẻ thì làm được gì?
Các bạn có biết câu chuyện của cô bé Alexandra Scott? Cô bé được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước khi tròn 1 tuổi, cuộc sống của cô bé chỉ xoay quanh ốm đau, hóa trị và phẫu thuật. Đến năm lên 4, Alex hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chúng ta có thể bán nước chanh trước sân không?” Cô bé làm vậy để quyên tiền giúp đỡ trẻ bị ung thư. Trong 1 ngày, hàng nước chanh của cô bán quyên được 2.000$ . Điều thú vị là sau đó có hàng loạt hàng nước khác mọc lên, và họ quyên được 200.000$, Alex đặt ra mục tiêu mới: 1.000.000$! Và thế là hàng trăm hàng nước chanh ở khắp các bang mọc lên. Gần 2 tháng sau thì Alex mất trong vòng tay ba mẹ cô, khi cô 8 tuổi. Nhưng trước khi mất, Alex đặt mục tiêu là 5 triệu đô! Và đến hôm nay, số tiền cô bé muốn gây quỹ là 45 triệu đô!
Một người khác là Toàn Shinoda, anh ra đi là một sự tiếc thương vô hạn của tôi bởi tôi thích phong cách làm Vlog của anh, cái tiếng cười anh tạo cho người xem vừa châm biếm lại chặt chẽ và sâu sắc. Cùng sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và các fan hâm mộ, dù Toàn bỏ dở cuộc chơi của mình, tôi tin là những gì anh để lại ở tuổi 27 cũng là một dấu ấn khó phai.
Thật ra trước kia tôi là một sinh viên kỹ thuật, ngại giao tiếp và chẳng muốn đi đâu, bởi tôi nghĩ những thứ đó khó nhằn, nhất là nói chuyện với người lạ, tổ chức những event, làm marketing hay làm việc với nhiều người. Nếu bạn cũng từng có suy nghĩ như vậy, tôi xin tặng các bạn một điều mà tôi rút ra như sau:
Đến khi bạn thực làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa, bạn mới biết thực sự nó không khó như mình tưởng.
Này, đừng lười nữa, và chẳng việc gì phải sợ cả. Nên nhớ, có thể bạn sẽ chết bất cứ lúc nào đấy, đừng biến mất như thể chưa bao giờ tồn tại.
Thân mến!...
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét