Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Thương mại điện tử VN 2013

Hung là một người hoàn hảo để hỏi chuyện về thương mại điện tử. Anh giữ vị trí ban điều hành MuaBan (trang quảng cáo số một Việt Nam, được đầu tư bởi IDG Ventures Vietnam), Vinabook (trang thương mại điện tử B2C mua bán sách, CD, DVD và tạp chí lớn nhất và cũng được đầu tư bởi IDG Ventures Vietnam), Hotdeal.vn, và đồng thời là CEO mảng online của Nha Sach Phuong Nam (chuỗi cửa hàng sách trực tuyến lớn thứ 2 Việt Nam). Nói một cách khiêm tốn, Hung đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Và đây là nhận định của Hung về TMĐT Việt Nam hiện nay.




Mua theo nhóm và những đóng góp không ngờ tới thị trường trực tuyến Việt Nam

Các trang mua theo nhóm khiến cho quy trình chuyển đổi dòng tiền dễ dàng và được nhận về sớm hơn, tạo lòng tin vào nội dung số. Từ đó, một nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt và sự lo ngại về chất lượng nội dung số sẽ thay đổi nhanh chóng do sự thúc đẩy của việc mua theo nhóm. Động lực này phát triển quá nhanh tới mức mà các công ty không thể đầu tư thêm vào dịch vụ khách hàng mà tập trung hoàn toàn vào mảng phân phối hàng hoá. 

Nhìn vào số liệu, mô hình mua theo nhóm tăng trưởng với tốc độ đạt 700–800% hàng năm so với thị trường thương mại điện tử chung, vốn chỉ đạt cao nhất 200–300% tốc độ tăng trưởng. Tuy mua theo nhóm đóng vai trò quan trọng hướng dẫn thị trường khách hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử bằng việc phát triển nhanh chóng, cơn sốt này sẽ nhanh chóng suy giảm trong vòng 1 tới 2 năm tới, trong khi thị trường thương mại điện tử nói chung sẽ tiếp tục phát triển đều đặn. Mô hình mua theo nhóm đã chỉ ra cho các công ty lớn thấy cách quản lý chuỗi nhu cầu khách hàng trong một thị trường lớn hơn dự kiến.

Thương mại điện tử Việt Nam thiếu sự nhẫn nại

Khoảng 10% người sử dụng mạng là khách hàng tiềm năng - đồng nghĩa với con số 3 triệu người. Đa số các trang thương mại điện tử đều trải dài sản phẩm của hãng trên mọi lĩnh vực (từ thời trang cho tới đồ điện gia dụng, đồ chơi trẻ em) với suy nghĩ “Hiện nay thị trường chưa có một Amazon nào và tôi sẽ là người đầu tiên!”. Điều quan trọng nhất mà các công ty này không nhận ra đó là ngay cả Amazon cũng phải bắt đầu từ một thị trường ngách và phát triển mở rộng dần sau khi đã có một nền móng vững chắc.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng yêu cầu các công ty của họ phải cung cấp cho thị trường mọi loại sản phẩm. Kết quả là thay vì tập trung vào giá cả, cải thiện lãi suất và phát triển năng lực mua vào, họ lại đầu tư vào sự mua hàng của người dùng vì họ cho rằng người dùng mới là khoản đầu tư lâu dài.

Cuộc chiến lớn trong năm tới: Thương mại điện tử theo chiều dọc (Vertical ecommerce)

Một xu hướng chúng ta đang thấy là các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực Thương mại điện tử sẽ giảm bớt hoạt động marketing mà tập trung hơn vào logistics. Các công ty này sẽ đầu tư mạnh vào việc phát triển mạng lưới phân phối hàng hoá và kho vận. Lý do mà các doanh nghiệp mới tham gia thị trường tập trung vào thời trang là do thị trường này rất rộng lớn và khách hàng thường có xu hướng trung thành với một hãng sản phẩm duy nhất. 

Trên thực tế, 80% lợi nhuận đến từ các khách hàng trung thành trong khi lượng khách hàng mới chỉ đem lại 20% . Ví dụ cụ thể, nếu bạn thích phong cách thời trang của Nino Maxx, bạn sẽ biết rõ về kích cỡ và cách phối quần áo của hãng với nhau và do đó, bạn sẽ mua quần áo từ Nino Maxx nhiều hơn do sự thuận tiện và thói quen.

Liệu các khách hàng truyền thống có cảm nhận được sự thay đổi?

Fahasa, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Việt Nam, đang dần gặp khó khăn do sự phát triển của thương mại điện tử. Vấn đề lớn nhất của họ chính là chi phí lớn. Với một chuỗi cửa hàng trải dài khắp đất nước, chi phí hoạt động sẽ bao gồm cả chi phí cơ sở hạ tầng, nhân viên, hàng hoá và bảo trì hàng nghìnn cửa hàng. Tuy công ty vẫn đang phát triển nhưng tốc độ phát triển đã có dấu hiệu chậm lại do sự xuất hiện của các công ty mới nổi như Tiki.vn, Vinabook, và Nha Sach Phuong Nam. 

Hàng năm, Fahasa luôn tăng trưởng 10%, quá nhỏ so với tốc độ tăng trưởng 200–300% của các cửa hàng sách online. Trên thực tế, Fahasa, trong năm qua, đã cố gắng xây nên một hệ thống nhà sách trực tuyến nhưng rồi phải đóng cửa do nguồn lực quản lý tập trung quá nhiều vào mạng lưới vận chuyển hàng hoá và không thể duy trì một dự án lớn như thương mại điện tử.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Kinh nghiệm thương mại điện tử

Sau gần 2 tháng start up với cái khogiatot.vn mình đã có một số thành tưu nhỏ nhỏ và cảm nhận được tiềm năng rất lớn của TMĐT, mình post bài này lên đây với mục đích chia sẻ kinh nghiệm cùng các bạn, giao lưu học hỏi và và nhờ tư vấn thêm các kỹ năng online.

Sau hai tháng chính thức làm marketing mình đã đạt được một số kết quả sơ bộ:

1, Website của mình đã có từ 400 đến 600 IP ghé thăm khách hàng một ngày với khoảng từ 3000 đến 5000 pageview
2, Bên mình đã đạt từ 8 đến 12 đơn hàng / ngày và 90% đơn hàng của mình ngoài Hà Nội.
3, Mình đã bán hàng tới 25 tỉnh thành, có cả các bạn ở đảo Coto mua hàng của mình, Đắc Lắc, Kiên Giang đủ cả đây chính là điểm mình cảm thấy TMĐT thực sự tiềm năng.

Trở ngại lớn nhất mà mình gặp phải hiện tại lai phí ship và thời gian ship, thường đi các tuyến huyện thời gian ship mất có khi đến cả tuần và phí ship chiếm tới 20% chi phí của sản phẩm, ngoài ra nếu mình dung dịch vụ SHIP của Viettel việc đối soát rất mất thời gian (đọng vốn).
Mặc dù có những rào cản và rủi ro như việc khách hàng đặt hàng ảo, hay bị trả lại hàng, mình vẫn tin tưởng vào mô hình kinh doanh TMĐT, mình bỏ ra số vốn cho tới giờ này chỉ trên 100 triệu đồng, vừa đủ 6 tháng tiền nhà + 2 tháng đặt cọc cho một mặt tiền nhỏ nhỏ ở mặt phố không phải trung tâm chưa tính tiền trang trí cửa hàng.

Mình sẽ không thể bán hàng lên tận, Sơn La, Lai châu v.v được nếu mình đầu tư bán chủ yếu OFFLINES, không dễ để thu hút được hàng trăm người vào cửa hàng giống như khách hàng vào website của mình hiện tại nếu mình chỉ kinh doanh OFFLINES. 

Mình mạn phép được chia sẻ với các bạn công việc kinh doanh online của mình

1, mình chọn những măt hàng gia dụng và công nghệ để kinh doanh, sau khi được tư vấn của một người bạn đang kinh doanh TMĐT khá thành công với hàng trăm đơn hàng /ngày. 
Theo kinh nghiệm của bạn mình, cậu ấy cứ ngó Lazada bán gì thì cậu ta bán cái đó giá rẻ hơn, và cách thức tiến hành tiếp thị thì cũng giống với bài toán của Lazada. Cái này theo mình cũng chưa hẳn là đúng và khó có thể làm lâu dài nhưng vì mới start up mình không biết làm gì hơn.

2, mình lựa chọn kênh quảng cáo bán hàng qua Facebook và Google đơn giản vì nó thích hợp với mô hình start up của mình, mình muốn kiểm soát hiệu quả của chi phí quảng cáo. 
các bạn đã hoạt động lâu năm rồi có thể lựa chọn các hình thức khác như email marketing hoặc đặt banner quảng cáo trên các trang điện tử hay quảng cáo CPC trên các mạng quảng cáo eclick của vnexpress hay admicro của dân trí v.v 
Hình thức quảng cáo nào cũng có thể mang lại hiệu quả nhất định nhưng mình nghĩ Facebook và Google nó quá thông minh, khi giúp nhà quảng cáo có khả năng kiểm soát được chi phí từng đồng tiền họ bỏ ra quảng cáo và không ràng buộc.
Mình cài đặt hệ thống mã chuyển đổi của Google và nhận thấy chi phí để mình có một đơn hàng tủ nhựa lắp ghép đa năng của mình chỉ cao nhất là 38000 VNĐ. 
Có những đơn hàng gọi điện, hoặc khách hàng biết đến website mà không mua hàng thì Google khuyến mại cho mình vì nó không được tính vào giá thành của một chuyển đổi.
Nếu các bạn lựa chọn hình thức quảng cáo trên các website lớn như dantri, baomoi v.v các bạn sẽ mất ngay một mẹc tiền mà chưa biết kết quả thu về, với Google và Facebook các bạn có thể dừng quảng cáo bất kỳ lúc nào, có thể target đối tượng quảng cáo, có thể quyết định chạy vào giờ nào và giá tiên click khác nhau ở từng địa phương khác nhau đó là lý do tại sao mình yêu hai thằng nó đến vậy và càng ngày bọn nó càng giàu.

Quay lại bài toán khởi nghiệp của mình mình tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Xây dựng hình ảnh

Việc kinh doanh online việc chau chuốt hình ảnh rất quan trọng, không giống như việc bán hàng online như các bạn nhà mình trên diễn dàn, mình làm Mass nên khách hàng không biết mình là ai họ chỉ căn cứ vào những gì họ nhìn thấy trên website của mình để đặt hàng vì vậy hình ảnh cần chuyên nghiệp, có sự đầu tư về giao diện đồ họa và website.
Mình đã chọn mua một tên miền Việt Nam vì nó có thể hiện sự đầu tư chuyên nghiệp và nó cần được cung cấp thông tin chính xác mới có thể đăng ký, cái này sẽ giúp khách hàng tin tưởng hơn vào website của các mình. 

Mình tiến hành đăng ký website bán hàng online với Bộ Công Thương cho đúng qui định của pháp luật và đây cũng là một hình thức giúp khách hàng tin tưởng hơn để chuyển tiền vì mình là thằng có tóc.

Mình nghiên cứu và niêm yết công khai các mức phí vận chuyển, các chính sách đổi trả hàng hóa tham khảo trên LAZADA có sửa đổi cho phù hợp với mô hình hoạt dộng của mình.
Cũng phải mất gần 3 tuần để chuẩn bị dữ liệu và làm ra website http://khogiatot.vn và bắt đầu lên kế hoạch chiến đấu.


Mình mất 3 tuần để chuẩn bị nội dung và hàng hóa cho website

Bước 2: Lên kế hoạch tiếp thị

Bán hàng trên Facebook

Facebook là kênh mình ưu tiên số 1 vì đây là kênh quảng cáo bán hàng rất hiệu quả với những mặt hàng mình đang cung cấp, hướng tới nhu cầu tiêu dùng thụ động. Những sản phẩm lạ mắt hấp dẫn, hoặc những mức giảm giá đủ hấp dẫn sẽ kích thích chị em đặt mua hàng.

Quảng cáo Facebook miễn phí

Mình sử dụng phần mềm quảng cáo Facebook để quảng cáo miễn phí dưới hình thức Post Group, mỗi khi post bài chục nghìn người Join Group có thể sẽ nhìn thấy bài viết của mình. 
Hình thức này nếu biết thực hiện thì sẽ khá hiệu quả và quan trọng là miễn phí. Tuy nhiên thực hiệu không khéo sẽ thành rất phản cảm vì đó là một dạng SPAM, mình ngày nào cũng bị những ông bán SIM thẻ Tag đến phát chán, nhiều lúc chẳng buồn vào Facebook.
Phần dưới mình sẽ hướng dẫn chi tiết việc bán hàng trên Facebook thông qua các hình thức miễn phí và trả phí để các bạn cùng tham khảo.

Quảng cáo Facebook trả phí

Facebook thật tuyệt vời, nó cho phép các bạn quảng cáo tới đúng đối tượng mà các bạn mong muốn và kiểm soát được từng đồng xu mà các bạn quảng cáo. Với một đơn vị mới làm quảng cáo mình chỉ target mức ngân sách 100K / ngày. các bạn xem chi tiết việc mình quảng cáo Facebook như thế nào ở bên dưới.

Bán hàng trên Google

Bán hàng trên Google có khá nhiều cách, các bạn có thể SEO từ khóa để từ khóa của các bạn lên TOP một cách tự nhiên không phải trả phí tuy nhiên cách làm này không đơn giản và đòi hỏi thời gian. 

Chạy adwords để có thể bán được hàng ngay hoặc quảng cáo trên mạng hiển thị (mạng liên kết các website có tích hợp các vị trí quảng cáo của Google).

Với một website mình chỉ có thể chọn quảng cáo Google adwords với chi phí hợp lý, mình đặt mức 200.000 một ngày cho 03 chiến dịch quảng cáo cho 03 dòng sản phẩm của mình.
Việc chạy adwords cũng là một yếu tố tích cực giúp cho quá trình SEO từ khóa của website, mình xin phép chia sẻ ở phần sau.

Bước 3: Lên kế hoạch chăm sóc khách hàng

Phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi

Tích hợp phần mềm Chat vào website để theo dõi và chăm sóc khách hàng kịp thời, khi tích hợp phần mềm chat online vào web sẽ giúp cho các bạn theo dõi được đầy đủ và chính xác khách hàng đang theo dõi website của các bạn. Có thể nói phần mềm chat trực tuyến giúp các bạn biến website thành cửa hàng trực tuyến, các bạn có thể biết chính xác có bao nhiêu khách hàng đang online trên website của họ, họ đang xem sản phẩm nào, đã xem sản phẩm nào, và các bạn có thể chat trực tiếp với họ.

Hệ thống chat trực tuyến cũng giúp các bạn lưu trữ lại lịch sử chat với khách hàng, các chức năng thống kê lịch sử số lượng khách hàng chat, khách hàng đã ghé thăm website đây là cách hiệu quả để các bạn có thể thống kê hiệu quả của các chương trình marketing online của mình.


Hệ thống chat online giúp các bạn tương tác với khách hàng trên website giống như cửa hàng trực tiếp

Lưu lại khách hàng đã đặt hàng

Một trong những hình thức marketing tốt nhất là phục vụ và chăm sóc tốt lượng khách hàng của của các bạn, họ có thể mua những sản phẩm khác của các bạn, họ có thể nhớ tới thương hiệu của các bạn và giới thiệu cho những người khác mua hàng.
Hiện tại mình sử dụng sử dụng hệ thống email marketing, và email mã khuyến mại giảm giá hàng tuần tới tất cả những khách hàng đã mua hàng trước đây. Tập khách hàng còn ít nên việc làm này có thể chưa hiệu quả nhưng mình tin là nó sẽ hiệu quả theo thời gian khi tập khách hàng mua sắm đã nhiều lên.


Mình import toàn bộ email khách hàng đã đặt hàng sang hệ thống email marketing để chăm sóc

Nhớ chúc mừng ngày sinh nhật khách hàng

Facebook, Skype hay Zalo luôn có tính năng thông báo ngày sinh nhật, hãy lưu lại và kết bạn với khách hàng thông qua những hệ thống này. các bạn có thể sử dụng phần mềm Zalo hoặc Facebook kết bạn để gửi thông tin khuyến mại, mã coupon nhân ngày sinh nhật. Đây là cách tiếp thị tuyệt vời.

Luôn có chương trình khuyến mại hấp dẫn

Khách hàng luôn thông thái, các bạn hãy tạo ra bán hàng thật, giá thật và khuyến mại thật chỉ có như vậy mới có sự phát triển bền vững. Nhiều lúc các bạn nhận được những chương trình khuyến mãi gây sốc như nhân dịp thằng bạn con ông cậu thằng bạn sinh nhật 15 tuổi, shop khuyến mại 15% tất cả hàng hóa trong 15 ngày. Những chiêu khuyến mại này không mới và các bạn thường nhìn thấy ở các siêu thị điện máy, tuy nhiên những chương trình khuyến mại thực (chiếm rất ít) vẫn có thể thu hút được số đông khách hàng tới siêu thị.
Mình cũng sẽ liên tục tạo ra các chương trình khuyến mại diện rộng, cho tất cả khách hàng (với những mặt hàng phổ thông) hoặc khuyến mại hướng theo nhóm đối tượng như camera hành trình cho các bạn ở Otofun hay cốm vi sinh cho bé biếng ăn cho các bạn trong lamchame. 
các bạn cần có các công mẹ hỗ trợ để theo dõi và triển khai các chương trình khuyến mại, mời các bạn xem phần chia sẻ về quảng cáo Facebook của mình ở phía dưới.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

10 bài học kinh doanh quý giá từ cuộc sống

 Hôm nay mình sưu tầm được một số bài học cuộc sống rất hay có thể ứng dụng vào công việc kinh doanh nên post lên đây để chia sẻ với mọi người và để sau này có dịp đọc lại khi cần. Nào cùng xem nhé !


Bài học số 01

Hai con bồ câu trống và mái tha hạt thóc về đầy tổ, cả hai rất ư hạnh phúc. Gặp mùa khô hanh, hạt thóc ngót lại. Con trống thấy tổ vơi đi liền trách con mái ăn vụng. Con mái cãi lại liền bị con trống mổ chết. Mấy hôm sau mưa xuống, hạt thóc thấm nước và nở to ra. Bồ câu trống ngẩn tò te.

Bài học kinh doanh rút ra:

“Thịt” nhân viên một cách hồ đồ không làm bạn trông thông minh hơn.



Bài học số 02

Một ông vua nọ do chán chuyện triều đình nên mua một con khỉ đem về. Con khỉ làm trò rất hay nên được vua sủng ái, đi đâu cũng mang theo, cho mặc quần áo, giao cả kiếm cho giữ. Một hôm, vua ra vườn thượng uyển ngủ. Có con ong bay đến đậu lên đầu vua. Khỉ muốn đuổi ong, lấy kiếm nhắm vào ong mà chém. Đức vua băng hà.

Bài học kinh doanh rút ra:

Trao quyền cho những kẻ không có năng lực thì luôn phải cảnh giác.


Bài học số 03

Quạ thấy chó ngậm khúc xương quá ngon, bèn đánh liều lao xuống mổ vào đầu chó. Bị bất ngờ, chó bỏ chạy để lại khúc xương. Quạ ngoạm lấy khúc xương nhưng nặng quá không tha nổi. Chó, sau khi hoàn hồn, thấy kẻ tấn công chỉ là con quạ nên quay lại táp một cú, quạ chết tươi.

Bài học kinh doanh rút ra:

Đừng chiếm thị trường nếu bạn biết là không giữ được nó.


Bài học số 04

Ba con thú dữ là sói, gấu và cáo thay nhau ức hiếp đàn dê. Dê đầu đàn bèn nói với cả bầy: “Ta nên mời một trong ba gã sói, gấu hay cáo làm thủ lĩnh của chúng ta”. Cả đàn dê bất bình, nhưng ba “hung thần” nghe tin này rất mừng. Thế là chúng quay sang tranh giành nhau quyền lãnh đạo, cuối cùng cáo dùng bẫy hại chết được sói và gấu. Nhưng rồi một mình nó không còn ức hiếp đàn dê được nữa.

Bài học kinh doanh rút ra:

Hãy thận trọng khi nghe tin bạn sắp được làm sếp!


Bài học số 05

Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau.

Bài học kinh doanh rút ra:

Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong … bao lâu!


Bài học số 06

Một nàng cave, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đàng hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt giữa công chúng, không ai có ý định bắt nàng.

Bài học kinh doanh rút ra:

Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm điều đó với ai!

Bài học số 07

Phòng tắm công cộng bỗng dưng bị chập điện gây hỏa hoạn lớn, vô số chị em chạy túa ra đường mà không kịp mặc gì. Những nàng thông minh là người không lấy tay che thân thể, mà lấy tay che… mặt.

Bài học kinh doanh rút ra:

Hãy quan tâm tới mấu chốt của mọi vấn đề.

Bài học số 08

Một nàng gái ế chạy tới đồn cảnh sát tố cáo: “Tôi đã cẩn thận để tiền trong áo lót, thế mà thằng cha đẹp trai đứng cạnh tôi ở trên xe bus đông đúc đã móc lấy mất tiền của tôi!”.
Cảnh sát ngạc nhiên: “Tại sao nó có thể móc tiền được ở một vị trí “nhạy cảm” như thế, mà cô không phát hiện ra?”
Cô nàng gái ế thút thít: “Ai ngờ được là nó chỉ muốn moi tiền?”

Bài học kinh doanh rút ra:

Một nhà kinh doanh tài ba là người moi được tiền của khách hàng trong lúc đang khiến khách hàng sung sướng ngất ngây.

Bài học số 09

Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các quý ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, công ty dán lên tường, phía trên bệ xí nam một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị ngắn, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”. Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng và không còn quý ông nào lơ đãng nữa.

Bài học kinh doanh rút ra:

Hãy chứng minh cho khách hàng thấy vấn đề một cách cụ thể, ấn tượng.

Bài học số 10

Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể. Chàng A nói, tài khoản có một triệu đô. Chàng B khoe, có biệt thự hai triệu đô. Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm. Chàng C nói, cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái các bác!

Bài học kinh doanh rút ra:

Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

Xem thêm:
100 bài học kinh doanh.
Mượn Tổng thống bán sách.



Bạn thấy những bài học kinh doanh này có hữu ích không? Nếu có hãy chia sẻ nó cho bạn bè của mình, hoặc nếu bạn biết những câu chuyện hay, hãy chia sẻ cho mình hoặc comment xuống bên dưới nhé !

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp- 100 bài học dạy làm ăn

Bài học dạy kinh doanh: biên soạn từ 100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 (Theo TonyBS)
Xem toàn bộ: 100 bài học làm ăn
——————————————————————————
Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp
Trong góp vốn làm ăn chung, người ta nói “đồng hội đồng thuyền”, vì hình ảnh người ngồi trên thuyền phản ánh chính xác nhất cách chúng ta làm ăn với nhau.

Thuyền nào cũng phải có 1 thuyền trưởng- tức người chỉ huy. Trên đường đi có lúc sóng yên gió lặng, nhưng cũng có lúc bão tố phong ba, vị thuyền trưởng phải là người có đạo đức, kinh nghiệm, khéo léo… để lèo lái. Rất nhiều con thuyền bị đắm, tức phá sản, nhưng cũng có nhiều con thuyền ngày một to hơn, đi ra biển lớn, cập bến bờ thành công.
Khi hùn hạp với nhau, người châu Á thường chỉ nói bằng miệng về luật chơi. Kiểu tao hùn 50, mày 50, lời lãi chia đôi. Vì cái NGẠI NGÙNG cố hữu, sự CẢ NỂ cổ truyền mệt mỏi cả ngàn năm nay. Họ nghĩ mới bắt tay làm ăn mà ràng buộc này nọ, mất lòng chết. Nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, QUYỀN LỢI và NGHĨA VỤ phải rõ ràng ngay từ đầu, đó là điều bắt buộc trong làm ăn, kể cả anh em ruột. Bản điều lệ của công ty hoặc thương vụ có 2 người góp vốn trở lên phải do cá nhân các người sáng lập soạn. Chứ không phải lấy cái form trên mạng xuống rồi in ra ký vào, nhưng chả buồn đọc, đụng chuyện nhao nhao cãi nhau như giặc. Cứ lấy điều lệ mà chiếu vào mọi bất đồng tranh chấp, anh phải làm gì, anh hưởng được bao nhiêu, nếu anh không làm thì, nếu anh không đi họp thì, nguyên tắc “quá bán” tức 51% chấp nhận thì phải tuân theo, không có chuyện tôi nằm trong 49% phản đối nên tôi làm khác, hôm đó tôi không có mặt nên tôi không biết. Nếu nói vậy thì tư duy của anh HOÀN TOÀN cá nhân chủ nghĩa, là TAY CHÈO LẠC NHỊP, không thể hùn hạp làm ăn được. Lúc này, nên yêu cầu anh ta ra khỏi thuyền. Chỉ một mái chèo khác đi, con thuyền có thể sẽ chòng chành xoay ngang, hoặc đi rất chậm. Nguyên tắc đồng thuận là bắt buộc của những người “đồng thuyền”.
Lần đầu tiên Tony sang Hà Lan học 1 khóa ngắn hạn về nông nghiệp, ở nhà trọ với 3 người nữa. Vừa xách vali vào, tụi nó bắt đọc NỘI QUY. Mình kiểu thôi đưa tao ký đại. Ba đứa kia không chịu, bắt đọc từng câu, hiểu rồi mới được ký. Nào là góp tiền mua cái này bao nhiêu, xài xong rồi cho ai. Không được dùng dầu gội của đứa khác, có cái bếp chung, chia thời gian ra nấu thế nào. Trong tủ lạnh cái gì của ai không được đụng đến, nếu đụng phải hỏi và mua trả lại. Rồi không được để nước chảy xuống sàn toilet, phân công chia ra lau nhà ngày nào, đi về khuya phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, tiếp khách thế nào bạn bè tới chơi như thế nào, máy giặt máy sấy sử dụng ra sao. ra khỏi nhà phải tắt thiết bị gì…nếu vi phạm thì chế tài ra sao. Nếu xảy ra bắt cóc, khủng bố, cháy nổ thì xử lý ra sao, bình chữa cháy ở đâu, số ĐT cảnh sát bao nhiêu, cấp cứu bao nhiêu…Họ phân chia trong lúc “tang gia bối rối”, ai làm gì chứ không đứng “bối rối” miết như ở ta. Hết 3 trang giấy cho cái nội quy, ban đầu thấy ức chế kinh khủng, mình quen tự do lộn xộn rồi, cứ theo khuôn khổ văn minh là phản đối. Nhưng nghĩ lại thấy nhớ thời nhà trọ của mình ở Việt Nam, bạn bè ở chung nhà cứ cả nể không nói, giận hờn cãi vả nhau suốt.
Ở phương Tây, trong một cuộc họp, người ta tranh cãi đập bàn đập ghế. Kiểu “tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”, nhưng sau đó, họp xong, ra quyết định, mọi người đều  RĂM RẮP tuân theo. Dù hôm trước anh khác biệt, nhưng VÌ LỢI ÍCH TẬP THỂ, anh phải TỪ BỎ CÁI TÔI CÁ NHÂN. Lợi ích tập thể có thì lợi ích cá nhân sẽ có, họ nghĩ dài, nghĩ khôn, nghĩ rộng. Lúc thảo luận, họ chỉ bàn bạc “CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI” nên dễ dàng bỏ qua mọi bất đồng. Ông O vẫn vui vẻ mời bà H làm trợ lý, dù hôm trước trên truyền hình hai bên đấu khẩu ghê gớm. Bà H cũng vui vẻ nhận lời, không cay cú sĩ diện vì là người thua. Tư duy Tây nhẹ nhàng, thông thoáng, nói thẳng, Yes/No rõ ràng, làm việc cùng rất thích.
Còn ở châu Á, thói quen vòng vo khiến mất thời gian. Kiểu “tôi hỏi chứ không phải, tôi tự hỏi là, thiết nghĩ, nên chăng, chẳng hay, tôi đồ rằng,…” nghe bắt mệt. Đụng chuyện, người châu Á tập trung vào “AI ĐÚNG, AI SAI”, ai cũng có CÁI TÔI to đùng cần bảo vệ, sợ mình buông ra thì người khác coi thường, nên rướn cổ lên để cãi và mọi giá PHẢI THẮNG. Rồi mạt sát nhau, lôi bằng cấp học vị, chuyện gia đình, giới tính, lôi mọi thứ ra NHẰM CHỨNG MINH người kia sai.Tony có quen anh bạn, anh nằm trong 6 người sáng lập một công ty cổ phần. Có lần công ty anh định lập chi nhánh ở nước ngoài, anh và 1 người nữa trong hội đồng quản trị phản đối. Nguyên tắc “quá bán”, bốn anh kia đồng ý, 4/2 nên quyết định vẫn ban hành. Anh không công nhận việc này, dù biên bản họp anh vẫn ký vào, nhưng “tao có đồng ý đâu, tại tụi kia đông quá”. Anh kể, thế là tao bắt đầu CHỨNG MINH 4 đứa kia sai. Tao tìm thấy bằng cấp của thằng A, nó học hệ tại chức thì sao có trình độ mà quyết việc này? Còn thằng B thì lăng nhăng, cặp con này con kia, nhân cách như vậy thì là đồ vứt. Thằng C người tỉnh X, dân tỉnh X thì không thể có quyết định đúng. Thằng D từng làm ăn và phá sản, nên luôn sai.
Tony nói chuyện cá nhân thì liên quan gì mà anh định kiến khủng khiếp vậy? Em thấy chuyện học hành bằng cấp, chuyện tình ái hay xuất thân từ đâu, hay chuyện quá khứ…đâu có liên quan chuyện làm ăn? Thành lập chi nhánh nếu tốt thì anh cũng hưởng lợi mà. Anh nói mày ngu quá, tao để yên như thế thì nhân viên đối tác nó khinh tao à. Thế là tao đổi chiến lược, tao giả vờ đồng ý, xin đi sang đấy phụ trách chi nhánh. Ở bển, tao xài tiền vô tội vạ, chi phí thật cao để 4 đứa kia thấy việc đặt chi nhánh là tốn kém. Tao cũng không thèm bán hàng, ai tới mua tao cũng từ chối, mục đích là không có doanh thu. Sau 1 năm cầm cự vì không hiệu quả, tao đã thành công mày ạ, chi nhánh đấy vừa đóng cửa. Ai sai, ai đúng…biết liền.
Các bạn trẻ thân mến. Trong làm ăn, nhất nhất phải rằng buộc bằng quy định điều lệ. Càng chi tiết càng tốt ngay từ đầu. Quy định ban đầu thế này, nhưng lúc sau có thể hoàn toàn khác. Không sao cả. Luật lệ là do con người tạo ra để quản lý cho dễ, nên phải được chỉnh sửa liên tục sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế phát sinh. Và mọi người phải chấp hành quy định mới đó, tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng trong suốt thời gian ngồi trên con thuyền. Có sự cố, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời thuyền. Nguyên tắc hàng hải lẫn làm ăn.
Chúng ta không nên hợp tác với người SĨ DIỆN cao ngất, mệt mỏi lắm. Nếu bạn trẻ có bệnh SĨ, phải lập tức từ bỏ. Cũng không cho người vô kỷ luật lên thuyền, không thể chấp nhận có 1 đứa không mặc áo phao khi tất cả người khác đều mặc. Nếu nó khăng khăng làm theo ý nó, thì hãy để nó xuống thuyền, làm một mình, kiểu doanh nghiệp tư nhân hay công ty một thành viên. Bạn nào không nghe lời ai, “ai cũng không có quyền, chỉ mình ta là có quyền”, thì tốt nhất nên đi máy bay. Tiếp viên kêu thắt đai an toàn, mình nói to “mày kêu tiếng nữa tao hất ly nước nóng vào mặt”. Kêu tắt di động, mình mở nói ầm ĩ, nhiễu sóng phi công hết biết đường lái, bay đi Đà Lạt đáp xuống Cam Ranh, hành khách check-out xuống máy bay thảng thốt nói ố kìa “bên em là biển rộng”. Ai hướng dẫn cửa sổ cửa thoát hiểm gì mặc kệ, mình thích thì cứ mở ra hít khí trời. Họ đuổi xuống thì mình chống nạnh kiểu chụy mất gà đứng bên hàng rào nói xỉa xói qua: đây không thèm đâu nhá, đây có giá trị riêng của đây nhá. Đây sẽ mua máy bay tự lái nhá…
Vậy thôi, em chào chụy.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Cháo nóng húp quanh, bài học kinh doanh 4

 Bài học làm ăn 4: Cháo nóng húp quanh.
Trích theo 100 bài học làm ăn theo đài truyền hình Hàn Quốc những năm 70. Bản quyền TonyBS.
Xem tất cả: 100 bài học làm ăn.
Bạn trẻ khi tự nhận mình đã có tiêu chuẩn cần và đủ để khởi nghiệp, tức lòng hào sảng, sự kỷ luật, và có kỹ năng street smart rồi, thì hoàn toàn có thể tự đứng ra làm ăn. Thiếu 1 trong 3 điều kiện trên, thì thất bại trong làm ăn coi như đã được báo trước. Nên phải chín chắn suy nghĩ kỹ.
Cháo nóng húp quanh


Khi khởi nghiệp, mọi người buộc phải có ý tưởng. Làm cái gì đây. Nhưng cái này thường không lo vì với người khao khát làm ăn, họ luôn quan sát để ý để chuẩn bị “sau này sẽ mở cái này kiếm tiền nè”. Cái lo lắng nhất của người khởi nghiệp là vấn đề đầu tiên, tiền đâu?

Tiền đâu? Như trong bài “tiền đâu khởi nghiệp”, tiền chúng ta phải tự tích lũy để có số vốn ban đầu, thời “tay không bắt giặc” đã qua rồi. Bán vé số cũng phải có vài trăm ngàn đặt cọc đại lý, làm cò cũng phải sắm chiếc xe máy và cái điện thoại, mở công ty dịch vụ cũng phải có máy tính máy fax máy in…Nên bạn trẻ hãy chăm làm việc và tích lũy, đừng ăn xài hoang phí nữa. Làm điên cuồng vô để có thu nhập tốt hơn, lương thưởng tốt hơn, đang đi làm thuê phải làm hết sức. Vũ trường rượu ngoại thuốc lá mà chi. Mua vui chỉ được vài phút giây ngắn ngủi. Gái đẹp xe SH làm chi, hết tiền thì chả ai nhớ đại ca nào hôm bữa gọi cả chục chai rượu bao cả quán. Nên bạn trẻ đang đi làm công ăn lương, ngoài việc làm hết năng lực và 150% thời gian công sức, phải tính toán chi phí của cuộc sống cá nhân của mình ở mức tối thiểu nhất, còn lại để dành sau này còn mần ăn.

Cách đây mấy năm, có một bạn trẻ nọ tên Bi, tốt nghiệp trường kinh tế và đang làm cho một tập đoàn nước ngoài, lương được 25 triệu/tháng. Cậu ấy cứ xum xoe theo đám bạn con của các ông chủ nhà máy, tối nào cũng đi bar, ăn nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản…rồi mua sắm cái áo cũng phải 2-3 triệu đồng. Rồi rủ rê du lịch nước ngoài suốt để check-in trên facebook là đang ở hải ngoại cho người ta nể. Ba năm ra trường mà chẳng để dành được đồng nào. Cuộc sống trôi qua vô vị, nhạt nhẽo.

Bỗng dưng một lần tỉnh ngộ, ngồi cà phê nói với Tony là con muốn khởi nghiệp làm ăn. Tony nói nếu con quyết tâm, con phải để dành tiền đi, lên kế hoạch hẳn hoi đi. Nó là đứa thông minh và quyết liệt nên bắt tay ngay. Phòng riêng đang thuê giá 3 triệu/tháng ở Bình Thạnh được nó trả lại, rồi nó xuống quận 9, tận chợ Long Phước, thuê 1 cái phòng y chang vậy như giá chỉ có 1 triệu trong một chung cư lớn. Hàng ngày, nó đón xe buýt số 88 lên quận 1, xe thả xuống chỗ sở thú, nó lội bộ mấy trăm mét nữa là tới công ty ở đường Tôn Đức Thắng. Nó nói con dậy sớm, đi làm trên xe buýt, nhìn xuống mọi người tranh nhau đi xe máy, kẹt xe khói bụi xịt vào mặt, mới thấy quyết định của mình là khôn ngoan, sao hồi xưa mình khờ thế. Rồi đi bộ mỗi buổi sáng khiến người nó cao lớn, lưng thẳng, đẹp đẽ…Quan trọng hơn là nó tiết kiệm được 2 triệu/tháng tiền nhà, và ở xa nên mọi cám dỗ đô thị không có trong trí óc nó nữa. Buổi tối đi làm về, nó nấu cơm ăn cho sạch sẽ, rồi tập gym trong chung cư, nghe nhạc, học ngoại ngữ, làm quen với bạn bè trong khu đó, dạy tiếng Anh cho một nhóm sinh viên cao đẳng Công thương gần nhà. Với quyết tâm cao độ, 1 tháng nó chỉ xài có 5 triệu, còn dư đúng 1000 USD cất vào tài khoản. Sau một năm, nó được 12,000 USD, đem qua gặp, nói Tony ơi, con sẽ khởi nghiệp với số tiền ban đầu này. Tony nói chuyện một hồi, thì thấy kỷ luật đã có, tính hào sảng phóng khoáng cũng có, street smart cũng đã có đủ, nên nói “ừa con làm đi”.

Nó mở một công ty chuyên về dịch vụ du lịch, dù lĩnh vực chuyên môn của nó là kiểm toán. Nó nói ý tưởng làm ngành này bắt đầu từ khi công ty nó nhận vô 4 sinh viên thực tập từ Mỹ. Ở nước ngoài, trước khi tốt nghiệp một số ngành, sinh viên phải có báo cáo thực tập. Nhưng để xin vô được Cocacola, Boeing, Microsoft, PWH, P&G…ở Mỹ để thực tập là rất khó, trong khi đó, tụi này qua các nước như Việt Nam, xin vào thực tập ở các công ty rất lớn, có niêm yết trên sàn chứng khoán…lại rất dễ dàng. Nên gần đây, phong trào sinh viên các ĐH lớn của Mỹ, Anh, Úc…sang Việt Nam thực tập rất rầm rộ. Chi phí ở New York chẳng hạn, một tháng sinh hoạt cũng mất hết mấy ngàn đô, trong khi đó đem qua Việt nam ở mấy tháng, chi phí cũng như vậy, mà lại có thêm được báo cáo nộp cho trường. Thế là thằng Bi lên mạng, vô các trường ĐH đó giới thiệu, vô mấy cái confession forum gì đó của sinh viên để giới thiệu PR. Khách hàng đầu tiên của nó là một nhóm sinh viên ĐH Utah, khoảng 20 đứa, thực tập về chứng khoán. Thế là nó đem 20 thằng này qua Việt Nam, thuê 2 cái villa ở quận 2 cho ở, rồi hàng này thuê xe đưa đón, thả nhóm này ở công ty chứng khoán A, thả nhóm kia ở ngân hàng B….chiều đón gom về. Sau đó là nhóm sinh viên thực tập về công nghệ, nó chở lên các nhà máy ở Bình Dương, nhóm về Nông nghiệp, nó chở lên Củ Chi, nhóm về du lịch, nó thả ở mấy khách sạn 5 sao trong trung tâm thành phố…

Việc thuê xe chở khách luôn là vấn đề rắc rối, lúc sớm lúc muộn, không chủ động. Nên nó quyết định vay tiền mua chiếc xe đầu tiên chở khách. Nó lo quá nên mới chạy qua xin ý kiến. Tony nói con cứ coi kỹ việc kinh doanh của mình, nếu thật sự tốt, có khả năng trả nợ thì cứ mạnh dạn vay mượn, sợ gì. Nó tính toán thấy OK, về quê mượn sổ đỏ vay tiền mua xe kinh doanh. Nó nói con ký hợp đồng vay tiền mà run muốn chết, có gì ảnh hưởng đến gia đình mình, may mà mẹ con cũng ủng hộ, vì thấy nó làm ăn chín chắn. Nó vay mua xe xong, giờ tích lũy mua thêm 1 chiếc như vậy nữa, chuyên làm internship tour cho sinh viên nước ngoài. Nó nói, thị trường internship tour này mênh mông, hàng triệu triệu sinh viên bao nhiêu nước, đứa nào chả có nhu cầu làm báo cáo tốt nghiệp, trong khi công ty Việt nam thì có nhu cầu tiếp thị ra thế giới bên ngoài. Nhiều xí nghiệp thủy sản sau khi cho nhóm sinh viên quốc tế thực tập xong, về có bao nhiêu đơn hàng mới, cũng do tụi cựu thực tập sinh giới thiệu. Nhiều resort, khách sạn ở Tp HCM sau khi cho các bạn thực tập xong, lượng khách tăng vọt do các bạn trẻ này cảm kích, giới thiệu với bạn bè…

Chuyện thằng Bi chỉ là một câu chuyện nhỏ để các bạn thấy là trong làm ăn, nếu không vay vốn thì không đón được các cơ hội lớn được. Doanh nghiệp nào tự hào tôi chả vay vốn gì của ai, thì thôi, sẽ dậm chân tại chỗ hoặc quy mô bé mãi, không lớn được. Trong làm ăn, cần phải có tài chính vững mạnh. Hùn nhau cũng được, vay ngân hàng hay từ người khác cũng được, miễn là mình nhắm là có thể trả lại. Việc trả lại, mình thực hiện dần dần, từ từ, từng tháng từng quý, cuối cùng cũng có được cơ nghiệp. Đừng sợ nợ. Sợ thì chẳng có gì.

“Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh”, người giàu có ngày xưa hay dạy con cháu như vậy. Bưng tô cháo trên tay, nóng quá sao húp cái rột được. Nên dùng muỗng vét xung quanh tô cháo, chỗ nguội nhất ăn trước, húp dần húp dần, rồi từ từ cũng hết tô cháo…
Xem thêm:
 Bài học làm ăn 1: Chọn bạn làm ăn.
Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Bài học kinh doanh của Vương An và bầy chim

Tiến sĩ Vương An là một nhân vật được ca ngợi trong giới kinh doanh Mỹ. Anh ta bắt đầu với 600 đôla, mà bây giờ số vốn kinh doanh đã lên đến hàng tỷ. 



'Bài học' lớn nhất ảnh hưởng tới cả đời anh ta là khi còn 6 tuổi. Một hôm, Vương An ra ngoài nhà chơi, lúc đi qua một cây lớn thì bỗng có gì rơi vào đầu. Cậu bé An giơ tay ra tóm lấy, thì ra là tổ chim. 
Sợ cứt chim làm bẩn quần áo, cậu ta vội vứt tổ chim xuống đất, thấy một con chim sẻ lăn ra kêu chíp chíp. Cậu ta thích quá, quyết định mang nó về nuôi, thế là đem theo cả tổ chim về nhà.
Về tới cửa nhà, bỗng Vương An nhớ ra rằng, mẹ không cho phép nuôi động vật nhỏ trong nhà. Cậu nhẹ nhàng đặt con chim sẻ ngoài cửa, rồi vội vào xin phép mẹ.
Do cậu bé cứ khẩn nài mãi, người mẹ mới phá lệ, đồng ý với yêu cầu của con trai. Vương An phấn khởi chạy ra cửa, thì không ngờ chẳng thấy chim sẻ đâu nữa, chỉ có con mèo đen đang còn liếm mép ở đó. Hoá ra khi cậu vào xin mẹ, thì con chim sẻ non đã bị mèo đen ăn gọn rồi! Vì việc này mà Vương An buồn rất lâu.

Bài học kinh doanh: Khi thấy sự việc đã đúng thì quyết không do dự, cần phải lập tức có hành động phù hợp.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Bài 3: Kĩ năng SS (100 bài học kinh doanh)

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
Xem toàn bộ: 100 bài dạy làm ăn
——————————————————————————
Bài 3: Kỹ năng Street Smart (SS)
Đây là kỹ năng quan trọng nhất mà một người làm ăn cần có.

Smart khác với intelligent ở chỗ là Intelligent thì IQ (chỉ số thông minh) phải cao, nhưng smart thì IQ và EQ (chỉ số cảm xúc) đều phải tương đối. Smart là thông minh thực tế, còn intelligent là thông minh hàn lâm. Ví dụ nói she is very intelligent, tức cô ấy học rất giỏi, nhưng nói she is very smart thì cô ấy phải biết phản ứng lại một cách thông minh, chứ không phải chỉ đưa cặp mắt cận nhìn đắm say người hỏi.
Học kĩ năng SS

Street là đường phố. Như vậy SS chính là sự thông minh lanh lợi  MÀ MÌNH CÓ ĐƯỢC từ đường phố. Đường phố có ai? Loại người gì có mặt ở trên phố? Ai cũng có. Chính vì vậy, việc ra phố và va chạm với đủ thể loại người, sẽ giúp mình có được SS.
Mọi doanh nhân thành công trên thế giới đều có SS. Ông A từng phải gõ cửa từng nhà bán tủ lạnh mới trở thành ông chủ nhà máy sản xuất điện tử lớn. Ông B phải từng làm cò đất kiếm chút hoa hồng trước khi có được hàng chục khu công nghiệp…Chính “street” đã dạy các ông ấy phải làm sao để kiếm tiền, và không mất tiền một cách “smart” nhất.
Các bạn nhớ câu chuyện “du hạc sinh và chuối hóa” chứ? Có anh tiến sĩ tài chính, mấy chục năm chưa về nước, vừa xuống sân bay ngơ ngác hỏi Bình Thạnh cách Tân Sơn Nhất bao nhiêu dặm hả em, thế là bị nó chạy vòng vòng mất hết mấy triệu. Vì anh tiến sĩ ấy quen sống trong tháp ngà, tốt nghiệp tiến sĩ, rồi vô các tòa cao ốc ở New York Paris, toàn gặp người mặc vét và nói chuyện đòn bẩy tài chính, chỉ số ROI riếc, nên đến một nước đang phát triển, nửa đêm nửa hôm, gặp anh lái taxi thì việc kể lể tôi là Việt Kiều 20 năm chưa về nước, tôi ôm một cục tiền về nước làm ăn, tôi giàu có thế này thế kia…thì bị nó chém đẹp là đúng rồi. Nên nhiều bạn đi chơi ở các nước như châu Phi chẳng hạn, về chê thế này thế kia vì các bạn không có SS. Ở cái xã hội đó, nó sẽ phải như vậy, xã hội đang phát triển cần thời gian để được tốt hơn, mình phải quen với nó, tự mình điều chỉnh cho phù hợp.
Các bạn cũng nhớ chuyện ở DavaoTony đi vào một thị trấn trong núi rất xa thành phố, và nửa đêm check-in khách sạn, trên tường khách sạn vẫn còn vết đạn loang lổ của các lần chạm súng với lực lượng bắt cóc? Lúc đó, nếu mình tỏ ra đỏm dáng, nói tôi là doanh nhân đi đầu tư, có phòng VIP hem, có spa hem…thì nửa đêm nó vô bắt cóc ráng chịu. Còn nếu chỗ nguy hiểm mà ai hỏi, mình nói tôi là sinh viên đi du lịch, sẽ là sự an toàn cho tính mạng mình. Hay ở sân bay, người ta nhờ xách giùm hành lý qua cổng an ninh, chớ dại mà giúp đỡ. Ai biết trong đó có cái gì, lỡ ma túy thì sao. Nếu qua trót lọt thì tới kia, nó xin lại, mình chẳng được gì. Nếu không qua thì mình là người dính chưởng. Nếu người đó không đủ sức mang cái giỏ đó qua cổng an ninh, thì chẳng có khả năng xách cái giỏ đó từ nhà lên sân bay. Nên mình phải phán đoán chứ không phải ai cũng giúp. Kiểu ra nước ngoài gặp khủng bố làm rơi súng, nhặt lên đưa cho nó, nói súng của chú nè, lần sau cẩn thận hơn nghen chú.
Cách đây chục năm, có một sinh viên sang London học thạc sĩ. Nửa đêm, anh xuống tàu điện ngầm để đi về nhà, và vẫn như mọi khi, anh đứng chờ tàu ở vạch màu vàng cách đường ray 1m30. Lúc đó đã rất khuya, đang đứng thì có nhóm thanh niên người bản xứ đi nhậu về, say xỉn, đứng chung đợi tàu. Rồi họ đùa giỡn, đẩy anh xuống đường ray trong lúc tàu vừa tới. 12 năm phổ thông cha đưa mẹ rước, 4 năm đại học sáng đến trường chiều về nhà, anh không biết là với nhóm thanh niên say xỉn, mình không nên dây vào họ, không nên đứng gần họ. Nên các bạn trẻ cần có SS, để đảm bảo tính mạng cho bản thân mình, đặc biệt khi xa xứ, một mình…
Có nhiều bạn trẻ lâu lâu ra phố chơi, gặp bọn giang hồ vặt, nó chửi ví dụ ĐỤ MẸ, cái ngơ ngác hỏi chú ơi đụ mẹ nghĩa là gì? Vì xưa nay ở trường không ai nói, ở nhà thì bị cấm tiệt, đọc sách báo thì chỉ viết tắt là Đ.M, cứ tưởng Đan Mạch. Cái lấy Iphone ra mở từ điển ra dò nghĩa, bị giật mất ĐT, đứng khóc vang dội. Cho nên các bậc phụ huynh cứ mạnh dạn giáo dục cho con cái mình, từ đấy là xấu, không nên nói, nhưng không nên cách ly, phải cho ra phố. Vì có cách ly mãi được đâu. Mình không nói nhưng sẽ có người nói. Có nhiều người ra đường, đụng xe với mấy thằng choai choai, bèn xuống xe “làm cho ra lẽ”, “dạy cho bài học”…Nhưng vấn đề là có làm cho ra lẽ với bọn nó được không, hay tranh cãi một hồi thì nó đâm cho một phát. Nó đang tuổi nổi loạn, có biết sai biết đúng là gì, lại lúc điên tiết nữa. Tiết là máu, điên tiết là máu điên, máu này chảy lên não thì có biết gì nữa mà “ý thức giao thông” với “con nhà giáo dục, học lớp mấy”. Nên tránh bỏ đi, tránh voi chẳng xấu.
Trong làm ăn cũng vậy. Mình có SS để biết lúc nào cương, lúc nào nhu. Chứ hẻm phải cương miết, đứt mạch máu chết à. Còn nhu miết, nhũn miết thì làm ăn gì? Ví dụ. Giả sử cá lớn cắn câu, mình cố giật như thông thường, kết quả là dây câu sẽ đứt, cần sẽ gãy. Con cá đấy với lưỡi câu trong miệng, mấy ngày sau cũng sẽ chết. Hồ nước sẽ thối vì xác cá phân hủy. Cả ba đều lose-lose-lose, mất hết. Trong khi đó, với người có SS, họ sẽ thả dây ra lúc cá lớn cắn mồi. Để cá chạy vòng quanh, rồi từ từ thu dây câu lại. Rồi cá lại vùng lên, rồi mình lại thả ra rồi thu lại. Một hồi cá mệt, cái mình kéo lại gần bờ, dùng vợt vớt lên. Cần câu thì vẫn nguyên vẹn, con cá thì vẫn sống nếu được tháo lưỡi ra, thả lại dưới hồ hay đem bán đều có giá trị kinh tế, hồ nước vẫn trong xanh. Cả ba đều win-win-win, thắng hết.
Theo Tony.
Xem thêm:

Bài 2: Chọn bạn làm ăn (Tuyển tập 100 bài học kinh doanh)

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
Xem thêm tất cả: 100 Bài học làm ăn.
——————————————————————————
Chọn bạn làm ăn (2)
Người ta nói “đàn ông đi biển có đôi”, vì tự mình thì chỉ dừng ở mức độ đi câu cá, còn muốn giăng lưới đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.



Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải được đào tạo để trở thành thói quen.
Nhóm tình nguyện sau 3 tuần bán cà chua, 30/60 bạn phải rời nhóm. Có những cam kết ban đầu các bạn bỏ qua. Đi trễ. Về sớm. Xuề xòa cho qua sai sót. Báo cáo đến hạn không có. Giao việc quên làm… Các bạn ấy nói dượng không biết tụi con vất vả như thế nào, chiều thứ 6 tan sở là đón xe lên Đà Lạt, mua cà chua xong, sáng thứ 7 ngồi phân loại đến khuya, rồi chủ nhật đứng bán cả ngày, kiếm được bi nhiêu tiền là gửi hết vào quỹ “bạn trẻ khởi nghiệp” hay “áo ấm mùa đông”.Tony đánh giá các bạn ở yếu tố nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hào sảng…nhưng đấy chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN. ĐIỀU KIỆN ĐỦ là tính kỷ luật thì không có, nên trước sau gì cũng tan rã nhóm, giải tán trước cho rồi. Còn 30 đứa thì đào tạo 30 đứa. Hoặc không làm cũng được, làm thì phải đàng hoàng. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without discipline”.Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.


Nước Đức tạo nên chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc là vì người Đức được rèn luyện tính kỷ luật từ tấm bé. Người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu cũng vì tính kỷ luật khủng khiếp của mình. Người Hàn tạo nên kỳ tích cũng vì tính kỷ luật đôi lúc hơi cực đoan của họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45. Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45.
Nếu thấy người không có tính kỷ luật, xuề xòa…thì chỉ cà phê cà pháo, tuyệt đối không hợp tác. Ở miền Tây Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn xộn trong quản lý. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smartphone. Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì giám đốc đang cợt nhã với một nữ thực tập sinh, trêu đùa quá trớn. Nhân viên thì vừa đọc tin tức online vừa làm hợp đồng, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các tài xế khác. Tony nói sao anh để vậy thì anh cười khà khà, nói kệ, anh em cả. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trụy có mặt ở nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên. Bốn người là đủ tay bài. Còn nếu chỉ có 2 anh, thì sẽ quánh cờ tướng, mỗi ván cả chục triệu.
Tony thấy doanh nghiệp vầy thì không ổn. Và đúng 4 năm sau thì nhà máy này rao bán. Vì đơn hàng xuất khẩu nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng, đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…
Trên đường về lại Sài Gòn, anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. Họ chỉ có thể ĐẺ mà không thể NUÔI. Anh S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ là sự vô kỷ luật, sự xuề xòa của họ ảnh hưởng đến cả công ty, ai cũng bắt chước thì chết.
Nên các bạn trẻ, muốn có sự nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Cái này đơn giản chỉ là sự RÈN LUYỆN. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy như lò xo. Tập thể dục là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân mình, không nuông chiều cái lười, cái xuề xòa, cái “thôi kệ”. Và bạn bè cũng vậy, hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành, chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ, mình cả nể là mình khổ. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật, thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp tiệm.
Bốn anh sáng lập viên nhà máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn mười ngàn hai chục.
Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài. Enough hands to play cards. Always.
Theo Tony.

Bài 1: Chọn bạn làm ăn (100 bài học làm ăn HQ 70)

Dựa theo đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70: 100 Bài học làm ăn. Trích từ blog Tony.
Xem thêm tất cả: 100 Bài học làm ăn
Chọn bạn làm ăn 1.
Chọn người như thế nào để cùng làm ăn, chọn người thư thế nào để công ty phát triển. Dưới đây sẽ cho chúng ta cách chọn người cùng làm ăn sao cho tốt nhất, giúp bạn chọn được đối tác tốt cho việc kinh doanh.
Chu kì kinh doanh của một công ty

Bài 1: Chọn bạn làm ăn như thế nào?
Chắc các bạn từng đọc bài “Góp vốn làm ăn chung”, cứ 3 anh A,B,C hợp tác sau vài năm, phần lớn tan vỡ không nhìn mặt nhau, chỉ còn 1 tỷ lệ nhỏ là thành công. Các bạn trẻ thấy ở ngoài xã hội có quá nhiều trường hợp như vậy nên sợ, thôi tự làm một mình. Nhưng nếu tự làm 1 mình thì sao đủ lực. Vốn cũng cần hùn. Sức cần hùn. Trí cần hùn. Chứ 1 mình thì không đi xa được. Vậy ai có thể chọn để hùn đây?

Trong tiếng Việt, hùn hạp là 1 từ hay. Hạp hay còn gọi là Hợp. Hạp mới hùn. Nhưng hạp là 1 tính từ thay đổi theo thời gian, nay hạp, mai hết. Hết hạp thì cãi nhau. Nhiều bạn học, hồi đi học thấy hạp nhau quá, nên sau khi tốt nghiệp thì rủ nhau làm ăn. Vài ba năm tan vỡ, các buổi họp lớp từ đó không đầy đủ nữa.

Các bạn còn nhớ chuyện Tony giải tán nhóm kinh doanh chứ? Vì nhiều bạn trong đó chưa chi đã đòi chia lãi. Người này đòi phần hơn người kia. Như vậy, việc “CHỈ NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CÁ NHÂN” là điều kiện đầu tiên để mình nhận ra người không nên hùn hạp. Kiểu người tiểu nông, “đèn nhà ai nấy rạng, gió chiều nào che chiều ấy” thì cà phê cà pháo cho vui, TUYỆT ĐỐI không hợp tác làm ăn.

Đặc trưng của nhóm này là sẵn sàng xé rào để được việc. Nếu kẹt xe, họ sẵn sàng chạy trên lề để nhanh hơn người khác. Xếp hàng, sẵn sàng chen ngang để mình được phục vụ nhanh hơn. Cái gì của chung họ cũng tha về cho gia đình họ, bất chấp đạp đổ cổng trường để con họ có 1 suất học tốt hay giật đồ cúng trên bàn thờ đức thánh Trần để có “lộc làm ăn”, hay đem hết hoa ở Bờ Hồ về nhà. Cứ miễn phí là họ mò đến, cái gì tốn tiền tốn công thì họ biến mất. Cứ quyền lợi là tranh giành còn nghĩa vụ thì “tôi không ngu”. Hợp tác với người này, tan vỡ là SỰ HIỂN NHIÊN. Nên trong hội đồng quản trị có thể loại này, thì giải tán cho xong, hoặc mình rút lui thật sớm.

Vậy yếu tố đầu tiên để nhận lời hùn hạp làm ăn là sự HÀO SẢNG của người rủ. Hào sảng là sự cho đi không toan tính. Hào sảng là sự chịu chơi, chơi đẹp mà không vì mục đích sĩ diện (có một số người cũng giả vờ hào sảng nhưng cốt là để lấy được sự nể trọng của người khác). Các bạn trong đội tình nguyện là một dạng người hào sảng. Vì các bạn sẵn sàng thức nguyên đêm thứ 7 để chuẩn bị chủ nhật bán hàng, tiền lãi dành mua áo ấm cho em nhỏ vùng cao chẳng hạn, thì đây là người có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác. Nên các bạn có thể làm ăn với nhau. Lưu ý chữ CÓ THỂ, vì còn thiếu 1 ĐK nữa là ĐK đủ, sẽ nói ở bài sau.

Còn với ai suy nghĩ “có điên mới làm cho thằng khác ăn”, thì phải tránh thật xa. Họ không nghĩ về người khác, không nghĩ cho người khác, thì họ sẽ tư lợi khi không ai kiểm soát. Họ sẽ vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông. Họ sẽ quay bài khi không có giám thị. Họ sẽ đút túi 1 quả ớt khi chị bán rau mãi đếm tiền. Họ sẽ nói dối ngay để được lợi cho mình. Họ sẽ lấy tiền công ty cho chi tiêu cá nhân. Công ty cấp cho họ 1 số ĐT để liên lạc công việc, họ dùng để gọi việc cá nhân, dù họ có 1 số ĐT riêng nữa. Việc này không vặt vãnh tí nào, nó thể hiện cái nhập nhèm của mấy đứa tào lao bí đao. Công ty nào có thành phần đó trong hội đồng sáng lập, công ty đó sẽ đóng cửa, dù sớm hay muộn.

Đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, các bạn theo dõi ở bài 2. Bạn trẻ đọc lại và học thuộc bài 1 trước khi học Bài 2 nhé.