Giá nhà tiếp tục leo cao, chung cư “cháy hàng”
Đầu tháng 4.2024, anh Hoàng Xuân Nguyên (35 tuổi), ở Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân tìm mua 1 căn chung cư chuyển bố mẹ về Hà Nội sinh sống cùng. Anh đi tham khảo 1 loạt chung cư khu vực Nguyễn Tuân và ghi nhận giá ở mức khá cao, dù đã đi vào vận hành 4-5 năm. Ví dụ, 1 căn ở 47 Nguyễn Tuân 67m2, đã sử dụng được 5 năm, rao bán 4,6 tỷ đồng, tính ra giá bán 68 triệu đồng/m2. Tham khảo thêm 1-2 phương án chung cư cũ gần đó, nhưng giá cao không kém, đều ở ở mức 62-65 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, tìm đến dự án ở 107 Nguyễn Tuân, đang xây dựng và dự kiến bàn giao nhà quý 3.2024, anh Nguyên không khỏi giật mình với mức tăng lên đến 100 triệu đồng/m2.
“Tăng sốc và quá nhanh, tôi chỉ nghĩ bên đó ở mức tầm 75 - 85 triệu đồng/m2. Nay chủ đầu tư ra thông báo giá mới bắt đầu từ 25/03, hiện căn góc đẹp nhất có giá 100 triệu đồng/m2. Môi giới nói rằng cũng không còn nhiều hàng, hiện có căn rẻ nhất phù hợp với nhu cầu của tôi là 72m2 giá 6 tỷ đồng, tính ra cũng gần 86 triệu đồng/m2”, anh Nguyên nói thêm.
Dự án Summit 216 Trần Duy Hưng tăng giá 15% chỉ trong chưa đầy 4 tháng dù đang chậm bàn giao.
Tương tự, chị Mai Anh (38 tuổi), Đống Đa, Hà Nội cho biết, chị có tìm hiểu dự án ở 216 Trần Duy Hưng, vì có nhu cầu mua căn 3 phòng ngủ. Tháng 12.2023 giá tham khảo lúc đó thấp nhất là 58 triệu đồng, mua sang tay từ chủ cũ. Nay chị Mai Anh quyết định mua, tìm hiểu lại thì chỉ sau 4 tháng, giá hiện nay khoảng 65 triệu đồng/m2.
“Đây là giá mua thứ cấp từ những người có vay ngân hàng, chịu áp lực tài chính, chứ còn hàng của chủ đầu tư thì gần 70 triệu đồng/m2”, chị Mai Anh chia sẻ.
Theo khảo sát của VietnamFinance, nội đô Hà Nội ít có dự án có mức giá lên đến 100 triệu đồng/m2, ngoại trừ một dự án mới mở bán ở khu Thành Công, tên thương mại là Gloria Silk Park, với quỹ căn cực ít chỉ 110 căn, mức giá trung bình là 120 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá một số dự án vẫn neo cao như các khu UDIC Hoàng Đạo Thuý neo ở mức 60-62 triệu đồng/m2, khu Home City Trung Kính trung bình 65 - 70 triệu đồng/m2.
Hoặc như các khu tập thể cũ, tại trung tâm như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm…giá được rao trên Batdongsan.com.vn dao động 120 – 140 triệu đồng/m2.
Ví như, một căn hộ tầng 1 diện tích 21m2 tại khu tập thể Thành Công đang được rao bán ở mức 2,6 tỷ đồng (tương đương 123,81 triệu đồng/m2), nhiều căn hộ khác thuộc cùng khu tập thể này cũng tăng giá từ 3 – 5 triệu đồng/m2 thời gian gần đây.
Khó có chuyện “giảm” giá
Theo CBRE, quý đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 2.300 nguồn cung căn hộ mới, trong đó tổng số căn bán được khoảng hơn 2.000 căn. Trong khi đó, giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội hiện đạt mức 56 triệu đồng/m2.
CBRE cho biết, về mặt bằng giá bán bất động sản nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM trong quý I cũng ghi nhận những diễn biến trái chiều. Tại thời điểm cuối quý I.2024, giá sơ cấp chung cư TP.HCM đạt mức 61 triệu đồng/m2, không thay đổi so với quý trước và giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi thị trường chung cư Hà Nội thiết lập mức giá mới, giá trung bình 56 triệu đồng/m2, con số này tăng 5% theo quý và 19% theo năm. Trong quý này đã ghi nhận mức chênh lệch giữa giá sơ cấp chung cư ở TP.HCM so với Hà Nội thu hẹp đáng kể.
Một dự án chung cư nội thành Hà Nội có mức tăng giá khoảng 30% trong vòng 6 tháng, neo ở mức 60-65 triệu đồng/m2. Ảnh: Xuân Thạch
Trao đổi tại Tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật đất đai sửa đổi” được tạp chí Đầu tư Tài chính – VietNamFinance tổ chức, Giám đốc của EZ Property Việt Nam, Ông Nguyễn Đức Toản cho rằng, nhà ở thương mại khó có thể “giảm giá” được.
Ông Toản đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, một mặt bằng giá nhà thương mại mới tại Hà Nội đã được thiết lập, hiện nay đang ở mức 56 triệu đồng, thấp hơn ở TP.HCM đã phát triển trước đây cả chục năm.
Thứ hai, nguồn cung chắc chắn sẽ không còn dồi dào như trước đây, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, chi phí đầu tư ban đầu của các dự án mới sẽ cao hơn trước rất nhiều. Ông lấy ví dụ, một chung cư mới xây tại Lê Văn Lương, chi phí thuế chủ đầu tư nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 18-20 triệu đồng/m2, thêm các chi phí đầu tư xây dựng khoảng 20 triệu đồng/m2, tính ra suất đầu tư đã hơn 40 triệu đồng, chưa kể còn rất nhiều các chi phí khác, giá không thể thấp hơn.
Và thứ 3, cầu quá lớn, hiện nay nguồn cung chỉ khoảng 17.000 căn hộ nhưng nhu cầu chung cư mỗi năm tại Hà Nội vào khoảng 80.000 căn. Đặc biệt hiện nay đang có xu hướng các cặp vợ chồng trẻ tách ra từ các đại gia đình lớn, chọn chung cư làm nơi sinh sống.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, chung cư có thể có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng chưa thể ngay, nó sẽ ở trạng thái đi ngang. Các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát, và lựa chọn khi mặt bằng giá ổn định thì mới xem xét quyết định xuống tiền.
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có sự luân phiên, tăng nhẹ, đi ngang, tăng nhẹ, đó là bản chất của giai đoạn chuyển đổi từ vùng đáy sang đảo chiều”, ông Quốc Anh nói thêm.
Cần bàn tay của nhà nước
Trước thực trạng giá chung cư tăng cao, lo ngại vỡ “bong bóng”, tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật đất đai sửa đổi” được tạp chí Đầu tư Tài chính – VietNamFinance tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá Luật Đất đai mới đi vào hiệu lực 1.1.2025, tạo ra những cơ hội để khắc phục các vấn đề tồn tại trong thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên cần được truyền thông đúng đắn và mạnh mẽ về phân khúc nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở giá rẻ, bên cạnh đó cũng phải cảnh báo về rủi ro. Thêm vào đó, cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, phương án mới về chính sách nhà ở cho người nghèo để khắc phục hậu quả.
TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ giải pháp để “giảm giá” nhà chung cư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toản, EZ Property Việt Nam cho rằng, cần phải có sự can thiệp của nhà nước để kiểm soát giá nhà ở thương mại.
Ông Toản lấy ví dụ, nhà nước ho àn toàn có thể xem xét phương án tự giải phóng mặt bằng, dùng ngân sách xây hàng loạt chung cư dạng NOXH, giống như các nước như Trung Quốc, hoặc Singapore… đã từng làm. Lập tức, biện pháp này sẽ tăng nguồn cung, sẽ kiểm soát được giá nhà thương mại.
“NOXH tư nhân rất khó làm, không chỉ là vấn đề rủi ro về mặt pháp lý, mục tiêu của doanh nghiệp tư nhân còn là kinh doanh, là lợi nhuận. Dự án mà không đem lại mục tiêu kinh doanh, doanh nghiệp thời điểm này khó thực hiện vô cùng”, ông Toản nói thêm.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) kiến nghị, cơ quan quản lý cần tháo gỡ ách tắc pháp lý triệt để, thúc đẩy lượng sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự cạnh tranh. "NOXH, nhà giá rẻ là giải pháp quan trọng để thay đổi tình trạng khủng hoảng phân khúc hiện nay", chuyên gia cho hay